Hotline

0225.3842.151

Work time

7h30 - 17h00
Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Tin chuyên ngành / VIMC bứt phá trong năm 2021
Tháng Một 15, 2022 Quản Trị Tin chuyên ngành

VIMC bứt phá trong năm 2021

Từ chỗ lỗ 145 tỷ đồng trong năm 2020, TCT Hàng hải VN (VIMC) đã bứt phá lãi hơn 4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

Mở rộng tuyến dịch vụ quốc tế, tập trung thị trường container

Sáng nay (11/1), Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2022.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ghi nhận và đánh giá cao kết quả VIMC đã đạt được trong năm 2021.

“VIMC đã trải qua thời gian đặc biệt khó khăn, nếu không muốn nói là khủng hoảng, cùng với khủng hoảng của ngành vận tải biển trên toàn cầu.

Từ lỗ 145 tỷ đồng (2020), VIMC đã bứt phá lãi hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gấp 5,5 lần kế hoạch. Trong đó, khối vận tải biển từ lỗ sâu (874 tỷ đồng) tưởng chừng khó gắng gượng được trong năm trước, năm nay cũng lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán tính đến 31/12/2021 là hơn 36.600 tỷ đồng”, Thứ trưởng nói và đánh giá, kết quả ấy đang giúp VIMC lấy lại hình ảnh là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải.

Đánh giá về sự “lột xác” của vận tải biển, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá, thời gian qua, dịch Covid-19 mang đến khó khăn nhưng cũng giúp vận tải biển hưởng lợi giống như cảng biển được hưởng lợi từ biến đổi khí hậu như trước đây.

“Song, vấn đề đặt ra đối với vận tải biển không phải dựa vào việc “té nước theo mưa” mà phải tìm cách phát triển bền vững. Thu được lợi nhuận cao nhưng VIMC cũng phải nhìn trực diện đội tàu
đã thực sự mạnh chưa? Kết quả tốt trong năm qua liệu có duy trì được ở những năm tới”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế hàng hải của cả nước vẫn đang ở trên vai của VIMC. VIMC cần tiếp tục mở đường trong mở rộng thị trường vận tải biển quốc tế, nhất là thị trường vận tải container.

“Trước mắt, tôi đặt hàng VIMC nghiên cứu phát triển tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam – Trung Quốc, chung tay tháo gỡ tình trạng ùn tắc đường bộ ở cửa khẩu cho hàng nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng nói thêm.

Về cảng biển, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị VIMC cần tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong thế chân vạc “cảng biển – vận tải – dịch vụ hàng hải”. Trong đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến 3, 4 Lạch Huyện, nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, hoàn thiện các bến ở sông Soài Rạp, cảng Sài Gòn,…

Ủng hộ đầu tu xây dựng cảng trung chuyển container ở Cần Giờ, xây dựng bến container ở Liên Chiểu (Đà Nẵng), Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đề nghị VIMC tập trung nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới để đầu tư, phát triển thêm cảng biển trong 10 – 30 năm tới.

Năm 2021, cả ba lĩnh vực trụ cột là cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải của VIMC đều ghi nhận lợi nhuận tích cực – Ảnh minh họa

Doanh thu tăng mạnh trong đại dịch

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong top đầu về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, năm 2021, VIMC đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tổng doanh thu toàn tổng công ty đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

“Điểm sáng” trong bức tranh kinh doanh của VIMC trong năm 2021 là khối vận tải biển sau nhiều năm thua lỗ đã ghi nhận mức lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 874 tỷ đồng) ngay trong đại dịch Covid-19. Năm 2021, sản lượng hàng hóa đội tàu VIMC đảm nhận ước đạt 23 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

“Về cảng biển, đây vẫn là lĩnh vực kinh doanh chủ lực, đóng góp lợi nhuận lớn vào tổng doanh thu của VIMC. Trong đó, năm 2021, khối cảng biển đóng góp 65% lợi nhuận của VIMC, tương đương hơn 2.400 tỷ đồng.

Một số cảng có mức lợi nhuận cao như: Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214% so với kế hoạch 2021), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), Cảng Quy Nhơn lãi 420 tỷ đồng (vượt hơn 162% so với kế hoạch),…

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 126 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 5,4 triệu tấn, tăng 5%”, ông Tĩnh thông tin.

Nguồn: baogiaothong

Bài viết liên quan

  • Duy tu bảo trì luồng hàng hải năm 2022 hơn 1.900 tỷ đồng
  • Đề xuất giải pháp khuyến khích phát triển đội tàu biển Việt Nam
  • VISHIPEL đẩy mạnh hợp tác cùng Orbcomm, Inmarsat cung cấp dịch vụ IoT toàn cầu
  • Hàng hóa qua cảng biển Quảng Ninh giữ nhịp tăng trưởng hai con số
  • Ngành Hàng hải – điểm sáng trong năm 2020